Thời gian có thể thay đổi tất cả và biến một đội bóng tuân thủ kỷ luật chặt chẽ như Chelsea trở thành một tập thể của toàn những kẻ ngông cuồng.
Maurizio Sarri mới có mùa đầu tiên ra mắt Chelsea nhưng đã có 2 lần bỏ đi định mặc kệ tất cả. Lần đầu tiên thì quá nổi tiếng, Sarri vì không ra lệnh được cho Kepa Arrizabalaga rời sân trong trận chung kết Cúp Liên đoàn mà điên tiết định bỏ vào đường hầm. Dù "định" là vậy nhưng rốt cuộc ông vẫn không làm vì chợt nhớ ra còn cả trận đấu phải điều hành.
Lần thứ 2 thì khác, Sarri đi vào đường hầm thật và một đi không trở lại. Nguyên nhân thì vẫn là do học trò, David Luiz và Gonzalo Higuain va chạm trên sân tập, rồi cự cãi nhau đến mức không ai chịu ai. Chuyện tưởng là trẻ con và không thể tồn tại ở thế giới chuyên nghiệp lại xảy ra đến độ phổ biến trong nội bộ The Blues.
Ở cả 2 lần, Sarri đều cố bình tĩnh trả lời truyền thông. Lần đầu thì là sự hiểu nhầm thông điệp với Kepa, còn lần hai thì là vì "không tập được những tình huống cố định". Dù với bất cứ lý do gì, chuyện Sarri có ý định và thực hiện hành vi bỏ đi chỉ chứng minh một điều hiển nhiên: Ông bất lực.
Sarri bất lực trong việc kiểm soát học trò, một trong những năng lực cơ bản của HLV. Câu chuyện này có phần giống với Ole Gunnar Solskjaer ở Man United khi quyền lực của HLV trong phòng thay đồ bị cấp dưới xem thường.
Với Chelsea, việc vô kỷ luật này đi ngược lại mọi giá trị tốt đẹp kể từ giai đoạn thành công của họ lúc Roman Abramovich tiếp quản. The Blues lột xác và giành nhiều danh hiệu cao quý đều là vì sở hữu một tập thể đồng đều, đoàn kết và đặt kỷ luật trên tất cả.
Hãy hỏi Jose Mourinho, Carlo Ancelotti hay Antonio Conte xem kết cục của những kẻ không chịu nghe lời tại Stamford Bridge? Chelsea rõ ràng chưa bao giờ là một mảnh đất lành với các HLV nhưng vấn đề cũng chưa bao giờ xuất phát từ học trò. Trường hợp như Sarri chắc chắn là lần đầu tiên.
Sarri quá lạc lõng ở Chelsea?
Vấn đề tồn tại bây giờ là gì? Vì Abramovich không trực tiếp điều hành đội bóng nên tạo ra chất "nhờn" trong các cầu thủ? Hay vì vô kỷ luật đang là xu hướng mới của bóng đá?
Trong rất nhiều lý do, có lẽ việc Sarri thiếu một người đội trưởng mẫu mực trên sân góp phần quan trọng. Ở đây, không ai chê trách tài năng hay nhân cách của Cesar Azpilicueta - đội trưởng đương nhiệm. Vấn đề là hậu vệ người Tây Ban Nha quá "nho nhã" để làm một người lãnh đạo.
Trong cả 2 tình huống Sarri bỏ đi, Azpilicueta đều có mặt nhưng là như một vị... khách mời. Azpilicueta chẳng nói được gì Kepa, cũng chỉ biết khuyên Higuian bình tĩnh. Không có bất cứ một hành động răn đe nào đủ sức nặng khiến người khác phải run sợ.
Ngay từ scandal của Kepa, người hâm mộ đã cảm thấy nhức nhối về vấn đề này. Họ tin nếu John Terry hay Didier Drogba có mặt vào lúc đó, anh ta sẽ tự mình xách áo và lôi Kepa ra khỏi sân. Khi trật tự trong đội bóng bị đe dọa, một người có trách nhiệm lớn như đội trưởng cần phải lên tiếng và hành động để thiết lập lại.
Azpilicueta đã đứng nhìn Kepa làm trò lố và hình ảnh đó đọng lại trong đầu Luiz lẫn Higuain, thậm chí là Sarri. Trong tay Sarri lúc này không có một người nào đủ uy tín để thay thế Azpilicueta, cũng chẳng có lý do gì chính đáng để làm điều đó. Cảm giác cô độc xen lẫn bất lực tự khắc khiến Sarri có những hành động bồng bột - được xem là không đáng mặt một HLV.
Mâu thuẫn nội bộ của Chelsea sẽ rơi vào quên lãng nếu họ đánh bại Arsenal vào đêm nay. Nhưng nếu không làm được thì Tây London đứng trước biến động vô cùng lớn trong mùa Hè này.